Chi tiết tin

Bệ phóng cho sâm Ngọc Linh

Việc chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” sẽ góp phần làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm sâm Ngọc Linh trên thị trường

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đây được xem là sự kiện quan trọng khẳng định danh tiếng và chất lượng của sản phẩm sâm Ngọc Linh (loại sâm được các nhà khoa học trong và ngoài nước chứng minh quý hiếm và tốt nhất thế giới bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ), đồng thời là bệ phóng đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia.

Tránh tình trạng giả mạo

Sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm Việt Nam, sâm đốt trúc, sâm khu 5… là loài sâm quý hiếm và đặc hữu của nước ta thường mọc hoang dại ở vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ở độ cao 1.500 - 2.000 m. Người dân tộc Xê Đăng ở vùng dưới chân núi Ngọc Linh gọi đây là cây thuốc có tên “củ ngải rọm con”, thường được dùng để chữa bệnh, tăng sức lực cho người đi rừng.

Ông Nguyễn Thành Long - nguyên Ủy viên thư ký kiêm Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum - kể lại rằng trước đây, khi chưa biết giá trị của sâm Ngọc Linh, mỗi lần đi công tác trong các xã Tê Xăng, Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), người dân hay gạ đổi sâm lấy cá khô, áo mưa. “Lúc đó chưa biết giá trị của sâm, bà con trong vùng hay dùng để nấu nước uống. Chỉ cần 1 kg cá khô hay chiếc áo mưa là người dân sẵn sàng đổi cho cả mũ cối sâm” - ông Long nhớ lại.

 Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu quốc gia Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu quốc gia Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Từ khi biết sâm Ngọc Linh là loài có giá trị cao, thương lái tìm mua khiến nó ngày càng khan hiếm, việc mua bán, kinh doanh vẫn đang diễn ra theo kiểu manh mún, chưa có đầu mối thu mua chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả các xã Tê Xăng, Măng Ri - nơi được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh, thương lái đưa các loại sâm giả vào để lừa bán.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc xác lập sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đã có nhiều nghiên cứu về việc di thực giống sâm Ngọc Linh đến các vùng khác nhau ở cùng điều kiện độ cao và yếu tố sinh thái khác. Thế nhưng, đến nay chưa có nghiên cứu nào mang lại kết quả như mong muốn.

Sở KH-CN tỉnh Kon Tum cho rằng việc công bố chỉ dẫn sâm Ngọc Linh giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của loài sâm này, đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng của sản phẩm, bao gồm những đặc điểm của sản phẩm chỉ có được do đặc điểm địa lý mang lại. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ có ý nghĩa thiết thực nhằm khẳng định danh tiếng của sản phẩm, bảo hộ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm sâm Ngọc Linh trên thị trường, mở ra triển vọng phát triển ngành chế biến dược liệu phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Cũng theo Sở KH-CN tỉnh Kon Tum, việc được cấp chỉ dẫn địa lý mới chỉ là khâu ban đầu, điều quan trọng là quản lý chất lượng và quảng bá sản phẩm. Tránh những sản phẩm khác mạo danh bán ra thị trường gây ảnh hưởng đến uy tín chất lượng, làm mai một chỉ dẫn địa lý, khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin.

Ngang với sâm Mỹ, Hàn

Theo ông Lê Văn Thanh, với việc công nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh sẽ là sự phối hợp của 2 tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam sẽ trao quyền đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh cho Sở KH-CN 2 tỉnh. Trên cơ sở đó, 2 sở tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, tiến hành giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng được nêu trong bản mô tả và tuân thủ các quy định trong quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ được thông qua trong toàn bộ hệ thống các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Tiến hành trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho các nhà sản xuất và kinh doanh trong khu vực địa lý. Xây dựng hệ thống quảng bá chỉ dẫn địa lý và thực hiện các giải pháp quản lý, cũng như phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm…

Theo ông Hồ Quang Bửu, với đề án bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ phê duyệt, các cơ quan chức năng đang từng bước nghiên cứu giải pháp đầu tư phát triển bền vững cho công nghiệp dược phẩm và xuất khẩu hướng tới mục tiêu đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chính cho vùng cao, đồng thời khẳng định một thương hiệu sâm Việt Nam như “sâm Triều Tiên”, “sâm Trung Quốc”, “sâm Nhật Bản”, “sâm Mỹ”.

Ông Lê Đức Thảo, đại diện Công ty CP Sâm Ngọc Linh (Kon Tum), cho biết đơn vị đang liên kết với toàn bộ người dân ở các thôn, làng trong vùng dự án cùng tham gia trồng, phát triển sâm Ngọc Linh để mở rộng quy mô vườn cây. Nhiều năm qua, Công ty CP Sâm Ngọc Linh không ngừng mở rộng diện tích, hiện vẫn chỉ tiến hành trồng chứ không khai thác. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức thu mua củ sâm, hạt để bảo tồn và phát triển vườn cây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết đơn vị đang quản lý gần 10.000 ha rừng. Trong số này, những diện tích có thổ nhưỡng phù hợp đã được khoanh vùng để doanh nghiệp và người dân cùng trồng sâm. Hiện người dân đã thấy được hiệu quả, lợi ích của việc trồng sâm nên thi nhau trồng. Dự kiến sau 10 năm trồng, mỗi hecta cho thu hoạch cả tấn sâm, giá trị từ 30-50 tỉ đồng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm. Riêng trong năm nay, chúng tôi sẽ khai thác từ 200-300 kg sâm củ. Cuối năm sẽ có các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như trà sâm, viên ngậm cao cấp” - ông Chung nói.

Ông Hồ Quang Bửu cho biết hiện có 32 doanh nghiệp đăng ký thuê rừng để trồng sâm trên địa bàn huyện Nam Trà My theo đề án bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh mà Chính phủ đã thông qua. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam mới phê duyệt cho 6 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đề án. Các doanh nghiệp muốn tham gia phải đáp ứng nhiều tiêu chí theo quy định và cam kết tiến độ thực hiện, ký quỹ bảo đảm…

Đề nghị công nhận sản phẩm quốc gia

UBND tỉnh Quảng Nam đã có hồ sơ trình Chính phủ đề nghị công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Về hướng kinh doanh, xây dựng thương hiệu quốc gia trong thời gian tới, ông Hồ Quang Bửu cho biết song song với việc mở rộng diện tích trồng cây sâm, phải kết hợp các doanh nghiệp, nhà khoa học sản xuất được những mặt hàng công nghiệp mang tính đặc hữu có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Để quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh, trong lễ hội Festival Di sản Quảng Nam 2017, tỉnh Quảng Nam sẽ kết hợp tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh.

Tác giả: Trần Thường - Hoàng Thanh

Nguồn tin: http://nld.com.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search




Thông tin - Thông báo

Liên kết website

select








bếp từ loại nào tốt?

lò nướng bosch
Tên Video
* Thời sự VTV1

BẢN QUYỀN THUỘC TRƯỜNG PTDTBT THCS TRÀ TẬP
Địa chỉ: Xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - Điện thoại : 02356540299
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)